Chủ Nhật, 18 tháng 3, 2012

Cá thác lác cườm lên ngôi


Cá thác lác cườm hay còn gọi là cá nàng hai, cá đao, cá cườm, rất thích hợp với môi trường và khí hậu ĐBSCL. Đây là loại cá có thịt thơm ngon được người tiêu dùng trong và ngoài nước ưa chuộng.
Cá thác lác cườm
Cá thác lác cườm
Chú ý chọn thả giống
Thời gian qua, do bị khai thác quá mức nên nguồn cá thác lác cườm tự nhiên đã trở nên cạn kiệt. Tuy nhiên, để nhân rộng và phát triển nghề nuôi cá thác lác, bà con cần hiểu rõ hơn về đặc tính của cá, chú ý cách chọn giống khi thả. 
Người nuôi nên mua giống cá có nguồn gốc rõ ràng. Khi chọn cá giống cần chọn cá có kích thước đồng đều, không bị xây xát, chọn cá bơi thành nhóm hoặc núp trong giá thể vì đó là cá khỏe mạnh. Thời điểm thả cá tốt nhất là vào lúc sáng sớm hay chiều mát. Trước khi thả, bà con nên ngâm bao đựng cá trong ao từ 15 - 20 phút để tránh cá bị sốc do thay đổi môi trường và nhiệt độ. Thả cá ở nơi các giá thể với mật độ từ 5 - 10 con/m2, có thể thả chung nuôi ghép với một số loại cá khác. Thức ăn cho cá mới thả là các loại cá nhỏ được băm hoặc xay nhỏ trộn với thức ăn công nghiệp và chất kết dính từ 1 - 2% để tránh thức ăn bị rã. Thức ăn nên vo thành viên đặt vào sàn ăn, đồng thời bà con nên theo dõi để có những điều chỉnh thức ăn cho hợp lý. Cho cá ăn 2 lần/ngày nhưng tập trung vào buổi tối (do cá hoạt động mạnh về ban đêm). Lượng thức ăn hàng ngày bằng 10 - 15% trọng lượng cá từ lúc 1 - 3 tháng sau khi thả và từ 5 - 7% từ 3 - 10 tháng sau khi nuôi. Chăm sóc cho cá nhỏ cần thay nước hợp lý, lượng nước mỗi lần thay là 1/3. Thường xuyên bổ sung vitamin C và premix cho cá. Thỉnh thoảng trộn tỏi vào thức ăn cho cá với lượng 50 - 100g/10 kg thức ăn liên tục trong 3 ngày.
Kỹ thuật nuôi không khó
Cá thác lác cườm là loại nhanh lớn, có con gần 2kg, sau khoảng 4 tháng nuôi có thể đạt trọng lượng 400g/con. Nuôi trong 12 tháng, cá có thể đạt từ 1 - 1,5kg. Cá thác lác cườm ăn tạp, có thể cho thức ăn tự chế biến từ nguồn cá tạp, chế phẩm nông nghiệp và thức ăn công nghiệp. Theo kinh nghiệm, nên phối trộn các thức ăn tươi sống như cá biển, cá đồng, ốc, phế phẩm cá tra thì cá lớn nhanh hơn so với thức ăn công nghiệp. Cần lưu ý, do tỷ lệ chất béo trong cá tra lớn, dễ gây rối loạn tiêu hóa cho cá nên chỉ phối trộn khoảng 20% với các loại cá khác. Nguồn nước ao nuôi không nhiễm  mặn, phèn, độ pH thích hợp là 6,5-8. Trước khi thả cá cần cải tạo ao, bón phân ủ hoai tạo thêm nguồn thức ăn ban đầu cho cá. Có thể nuôi ghép cá thác lác với cá chép, mè, rô… nhưng không nên nuôi ghép với cá lóc (tránh tình trạng cá lóc ăn cá thác lác).
Để hạn chế hao hụt lớn ban đầu do không chăm sóc tốt và cho ăn chưa phù hợp, người nuôi nên mua cá con có kích cỡ 6 - 7cm. Sau đó cần nuôi vỗ khoảng 30 - 40 ngày trong lưới mới cho ra ao. Ở vùng ĐBSCL, cá thác lác thả nuôi được quanh năm, thời điểm tốt nhất là từ tháng 3 đến tháng 8, có thể nuôi kết hợp trong ruộng lúa.
Hiện nay, nhu cầu cá thác lác cườm rất lớn, ngoài tiêu thụ thị trường trong nước, cá thác lác cườm còn được xuất khẩu sang nhiều thị trường thế giới.
 >> Cá thác lác cườm thường sống ở các vùng kênh, rạch, ao đầm, ruộng trũng, tập trung ở vùng tầng giữa và đáy. Cá thác lác cườm có thân hình dài, dẹp bên, càng về phía bụng càng mỏng, lưng gù, đường bên liên tục. Vây lưng nhỏ nằm lệch về phía sau. Gốc vây hậu môn rất dài nối liền với vây đuôi, vây đuôi trên không chẻ. Mặt lưng của thân, đầu có màu xanh rêu, hai bên hông và bụng màu trắng. Có một hàng chấm đen to tròn có mép trắng chạy dọc theo phía trên gốc vây hậu môn ở phần đuôi. Cá thác lác cườm có tính thích nghi rộng, dễ nuôi và luôn có giá cao trên thị trường, trung bình trên 40.000 đồng/kg.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét