Chủ Nhật, 8 tháng 1, 2012

Những lưu ý khi sử dụng vôi trong nuôi trồng thủy sản

Những lưu ý khi sử dụng vôi trong nuôi trồng thủy sản 
Trong nuôi trồng thủy sản, việc sử dụng vôi trong các công đoạn sản xuất là thường xuyên, từ khâu cải tạo đến quản lý môi trường nước trong ngưỡng thích hợp, tạo điều kiện cho đối tượng nuôi phát triển tốt. Nhằm giúp người nuôi có những kiến thức cơ bản và sử dụng vôi có hiệu quả, bài viết xin giới thiệu các dạng vôi hiện nay và cách sử dụng trong nuôi trồng thủy sản:




I. Các dạng vôi
Có nhiều dạng vôi được sử dụng cơ bản là làm tăng khả năng đệm của nước ao nuôi và tăng pH. Trộn 10% vôi trong nước cất và đo pH của dung dịch sẽ xác định được vôi sử dụng là loại vôi gì.
1. Vôi nông nghiệp/ đá vôi hoặc vỏ sò xay (CaCO3)
Các dạng vôi này thường là đá vôi hay vỏ sò nghiền. Chất lượng của chúng cũng khác nhau. Ví dụ như khi có trộn lẫn đất.
Vôi thường được khuyến cáo sử dụng là loại vôi có chứa từ 75% CaCO3 trở lên. Đá vôi mịn là thích hợp nhất cho ao nuôi tôm. Loại vôi này được sử dụng để làm tăng khả năng đệm của nước và có thể được sử dụng với số lượng lớn vì nó không gây ảnh hưởng nhiều đến pH của nước.
Dung dịch 10% vôi trong nước cất phải có pH khoảng 9.
Lượng vôi thường bón là 100 – 300 kg/ha/lần.
2. Đá vôi đen (CaMg(CO3)2) 
Đây là loại đá vôi nghiền khác có chứa ma-giê (Mg). Loại vôi này được sử dụng chủ yếu để tăng khả năng đệm của nước và cung cấp ma-nhê. Giống như vôi nông nghiệp, loại vôi này cũng ít ảnh hưởng đến pH của ao.
Dung dịch 10% vôi trong nước cất phải có pH từ 9 đến 10.
Lượng vôi thường bón là 100 – 300 kg/ha/lần.
Đá vôi đen, vôi nông nghiệp, đá vôi, bột vỏ sò còn được gọi là vôi chứa can xi.
3. Vôi tôi hay vôi ngậm nước (Ca(OH)2) 
Loại vôi này được sản xuất bằng cách nung đá vôi ở nhiệt độ cao 800 – 900oC. Sau khi nung thì cho nước vào khi đá vôi còn nóng để làm cho vôi mịn ra. Vôi tôi được dùng để làm tăng pH nước hoặc pH đất.
Dung dịch 10% vôi trong nước cất phải có pH từ 11.
Lượng vôi thường bón là 50 – 100 kg/ha/lần.
Vì vôi tôi có thể gây ảnh hưởng đáng kể đến pH nước nên tránh bón vôi cho ao vào buổi chiều khi pH ao thường cao nhất.
4. Vôi sống/ vôi nung hay vỏ sò nung (CaO) 
Loại vôi này cũng được sản xuất bằng cách nung đá vôi ở nhiệt độ cao nhưng không cho nước vào. Dạng vôi hoạt tính cao này có ảnh hưởng rất lớn đến pH của nước nên không dùng để bón cho những ao đang nuôi tôm mà chỉ nên sử dụng để điều chỉnh pH đất khi chuẩn bị ao. Dung dịch 10% vôi trong nước cất phải có pH =12.
II. Cách bón vôi
Sau khi dọn sạch chất thải cần cho một ít nước vào ao để rửa trôi các mảnh vụn đồng thời cũng để kiểm tra độ pH của nước. Lượng nước này nên để qua đêm rồi tháo cạn. Có thể lặp lại như thế nhiều lần cho tới khi độ pH ổn định ở mức trên 7.
Lượng vôi sử dụng cho ao sau lần tháo rửa cuối cùng tùy thuộc vào từng ao. Vôi dùng trong trường hợp này nên là vôi nông nghiệp (CaCO3) hay đá vôi đen (CaMg(CO3)2) để tạo pH và độ kiềm thích hợp nhất. Nên hạn chế lượng vôi bón vào giai đoạn chuẩn bị ao vì vôi sẽ được bón thêm trong quá trình nuôi. Việc bón vôi trước khi bơm nước vào ao bất tiện ở chỗ nó sẽ làm giảm hiệu quả của việc bón bột tẩy sau này để ngăn ngừa các sinh vật khác vào ao nuôi tôm. Nếu nước ao có độ kiềm và pH cao (>80 mg CaCO3/l và pH>8) thì không cần phải bón bất kỳ loại vôi nào trong giai đoạn này.
Chỉ nên bón vôi tôi (Ca(OH)2) hay vôi sống (CaO) trong trường hợp đất ao quá phèn (pH<5). Nếu dùng vôi tôi và vôi sống để tăng pH đất ao thì pH nước tăng lên đáng kể khi lấy nước vào ao, và điều này đặc biệt thể hiện rõ khi hệ đệm nước ao kém. Hiện tượng pH cao cũng sẽ kéo dài đáng kể và khó điều chỉnh trong ao nuôii thay nước ít.
Lượng vôi bón khuyến cáo dùng trong giai đoạn chuẩn bị tùy thuộc vào pH của đất. Độ pH của đất có thể đo bằng máy đo pH đất hoặc có thể phơi khô đất trong bóng râm rồi cho vào nước cất với khối lượng bằng nhau, quậy kỹ cho tan đều và để lắng một đêm, sau đó đo độ pH của dung dịch. Theo cách này, có thể sử dụng dung dịch đo pH hoặc giấy đo pH.
Lượng vôi bón khuyến cáo dùng trong giai đoạn chuẩn bị ao.
 
Độ pH của đất     Lượng vôi nông nghiệp CaCO3 (kg/ha)         Lượng vôi tôi Ca(OH)2(kg/ha)

                                                             
>6                                          <1000                                                               <500
5-6                                         <2000                                                               <1000
<6                                          <3000                                                               <1500
Vôi cần được rải đều khắp đáy ao kể cả bờ ao. Một phần lớn vôi nên rải ở khu vực cho tôm ăn và các chỗ còn ướt của đáy ao. Việc bón vôi thêm được thực hiện khi lấy nước vào ao.

Nguồn TTKNKN Bình Định

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét