Thứ Bảy, 10 tháng 12, 2011

Nuôi cá lóc trong bể lót bạt - tạo vùng nguyên liệu ổn định

Từ nguồn kinh phí hỗ trợ của Sở KH&CN An Giang, Trung tâm Giống thủy sản tỉnh phối hợp Khoa Thủy sản-Trường đại học Cần Thơ thực hiện dự án “Triển khai mô hình cá lóc trong bể lót bạt ở tỉnh An Giang” tại các huyện Thoại Sơn, Phú Tân, Tri Tôn, Tịnh Biên, An Phú và TP.Long Xuyên.

Qua thử nghiệm, mô hình đã đạt được kết quả khả quan và đang được nhân rộng… Năm 2010, Trung tâm Giống thủy sản An Giang đã thực hiện dự án triển khai mô hình nuôi cá lóc trong bể lót bạt. Dự án triển khai nhằm khắc phục các trở ngại về sự nhiễm bẩn nguồn nước do nuôi cá lóc ở vèo đặt trên kênh, sông, cá nuôi có tỷ lệ sống thấp,…
Đặc biệt, mô hình này phù hợp với người nghèo ở vùng nông thôn, người có ít đất sản xuất. Chỉ với một đơn vị diện tích đất sản xuất nhỏ hay diện tích mặt nước ao nuôi giới hạn (ít hơn 80-100 m2/hộ) xa nguồn nước cấp và thay nước… thì đều ứng dụng được, để tăng thu nhập. Do đó, dự án là một trong những mô hình sản xuất có khả năng tạo ra sản phẩm sinh khối cao, góp phần bảo vệ tốt môi trường nước và nâng cao thu nhập cho người nuôi cá.
Nông dân rất phấn khởi khi được tiếp cận công nghệ nuôi mới, đã tham gia các buổi tập huấn kỹ thuật và hướng dẫn thực hành các mô hình điểm. Qua đó, đã xây dựng 2 mô hình sản xuất giống cá lóc và 34 mô hình nuôi thương phẩm cá lóc đen trong bể lót bạt. Trong đó, có 30 mô hình nuôi bằng thức ăn cá tạp, 2 mô hình nuôi bằng thức ăn công nghiệp và 2 mô hình nuôi thức ăn bán công nghiệp (tự chế). Sau 4-5 tháng nuôi, năng suất bình quân đạt từ 18-30 kg/m2. Cá biệt, ở huyện Tịnh Biên và An Phú có hộ nuôi đạt 30-50 kg/m2/mô hình.
Ông Phan Quốc Khánh (xã Vĩnh Trung, Tịnh Biên) và ông Nguyễn Văn Sal (xã Quốc Thái, An Phú) nói rằng: “Không ngờ thử nghiệm mô hình hiệu quả quá, cá tui nuôi 5 tháng đạt năng suất gần 51kg/m2”.
Ưu điểm của mô hình là có thể nuôi quy mô nhỏ, những hộ nuôi ít vốn tận dụng diện tích xung quanh nhà xây dựng bể nuôi cải thiện thu nhập cho gia đình và khắc phục được một số nhược điểm của các mô hình nuôi khác.
Lợi nhuận từ mô hình này từ 1 -6 triệu đồng, tùy thuộc vào kỹ năng chăm sóc, quản lý và kinh nghiệm của hộ nuôi. Trung tâm Giống thủy sản tỉnh cho biết, các yếu tố thủy lý hóa môi trường nước đều nằm trong khoảng thích hợp cho cá nuôi tăng trưởng và phát triển như nhiệt độ dao động từ 27,9- 29,60C, pH dao động từ 6,9-7,2, oxy hòa tan từ 3.1-4.5 ppm và hàm lượng đạm tổng dao động từ 4.2-9.5 ppm.
Trong quá trình sinh sản, tỷ lệ thành thục khi nuôi vỗ là 80%, tỷ lệ cá tham gia sinh sản 100%, tỷ lệ trứng thụ tinh 80-90% và số lượng cá giống thu được là 55.886 con, tỷ lệ sống của cá nuôi thương phẩm dao động từ 55,3-71,5%, năng suất cá đạt từ 360-602 kg/bể 15m2 và trọng lượng của cá nuôi lúc thu hoạch dao động 382-560 gram/con, tỷ suất lợi nhuận từ 15-20%. Từ kết quả trên, huyện Thoại Sơn, Tịnh Biên và thành phố Long Xuyên đang nhân rộng mô hình này.
Để phát triển dự án và nhân rộng mô hình nuôi, Trung tâm Giống thủy sản An Giang đã xây dựng quy trình kỹ thuật nuôi cá lóc trong bể lót bạt và áp dụng triển khai dự án “Phát triển mô hình nuôi cá lóc trong bể lót bạt bằng thức ăn công nghiệp và bán công nghiệp” cho 4 huyện: Thoại Sơn (Vĩnh Khánh, Vĩnh Chánh), Châu Thành (Vĩnh Lợi, Vĩnh Bình), Phú Tân (Tân Hòa, Bình Thạnh Đông) và Tịnh Biên (Núi Voi, Vĩnh Trung).
Chị Ngô Thị Hạnh, Trưởng phòng Kỹ thuật Trung tâm Giống thủy sản An Giang, Chủ nhiệm đề tài cho biết, mô hình nuôi cá lóc thương phẩm trong bể lót bạt này sẽ góp phần tạo sự đa dạng và phát triển thủy sản, tạo ra vùng nguyên liệu cá lóc thương phẩm cung cấp ổn định cho các cơ sở làm khô, mắm ở TX. Châu Đốc, Thoại Sơn và Chợ Mới. Ý nghĩa hơn, tạo nhiều việc làm, nâng cao thu nhập cho nông dân, nhất là các hộ nghèo, thiếu vốn. (Báo An Giang 11/9, Hạnh Châu)  

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét