Thứ Hai, 9 tháng 4, 2012

Gà thả vườn An Toàn Sinh Học

Chăn nuôi là một trong những thế mạnh của huyện Mỏ Cày Nam. Đặc biệt trong những năm gần đây việc chăn nuôi gia cầm trong huyện phát triển khá nhanh, tổng đàn gia cầm hiện nay 800.000 con, chủ yếu là giống gà tàu lai địa phương, bình quân mỗi hộ nuôi với quy mô đàn từ 500-1.000 con, cá biệt có những hộ chăn nuôi với quy mô lớn hơn từ 2.000-5.000 con. Trước tình hình chăn nuôi tập trung với quy mô ngày càng lớn như hiện nay: mật độ cao, lứa nuôi liên tục… thì việc theo dõi, quản lý dịch bệnh khá phức tạp.

 
Để hướng dẫn người chăn nuôi gà theo hướng an toàn và hạn chế tối đa dịch bệnh xảy ra trong đàn gà, gây lây lan cho vật nuôi khác. Ngoài việc tạo điều kiện cho người dân phát triển chăn nuôi tăng hiệu quả kinh tế, nâng cao đời sống thì vấn đề tạo ra sản phẩm sạch an toàn cho người tiêu dùng cũng hết sức cần thiết.

Từ năm 2006, Trung tâm Khuyến nông-Khuyến ngư Bến Tre và Trạm Khuyến nông-Khuyến ngư huyện Mỏ Cày Nam đã triển khai thực hiện thành công mô hình “Chăn nuôi gà an toàn sinh học” với quy mô 2.000 con tại xã Tân Trung. Đây là tiền đề giúp cho nông dân trong huyện mạnh dạn đầu tư chăn nuôi gà theo hướng an toàn, góp phần ổn định tổng đàn gà hàng năm của huyện ở mức trên 500.000 con.

Song song đó, hàng năm huyện Mỏ Cày Nam còn tiếp tục triển khai thực hiện mô hình chăn nuôi gà an toàn sinh học từ nguồn kinh phí sự nghiệp đầu tư cho hoạt động khuyến nông của huyện. Ngoài ra, Chi cục Phát triển Nông thôn tỉnh Bến Tre cũng đầu tư cho hộ nghèo tại các xã An Định, Tân Trung, Minh Đức thực hiện mô hình nuôi gà an toàn sinh học vào năm 2008 với 35 hộ tham gia, quy mô 100con/hộ, kinh phí hỗ trợ cho mỗi hộ 3.000.000 đồng. Sau 4 tháng nuôi, mỗi hộ thu lãi được 3.000.000 đồng. Mô hình tiếp tục thực hiện tại xã Tân Trung vào năm 2010 với 40 hộ tham gia, số lượng 100con/hộ, mức hỗ trợ 2.996.000 đồng/hộ. Sau 4 tháng, mỗi hộ nuôi 100 con gà lãi 2.800.000 đồng.

 Mô hình không chỉ làm tăng nhanh tổng đàn gia cầm trong huyện, mà bước đầu đã góp phần cải thiện được kinh tế gia đình của nhiều số hộ nghèo trên địa bàn. Đồng thời, nó còn tạo dựng được nguồn vốn, kinh nghiệm, kiến thức chăn nuôi ban đầu cho các hộ nghèo nhằm mở rộng sản xuất vươn lên thoát nghèo. Cụ thể như hộ anh Hồ Văn Bé Tư ở ấp Tân An; anh Đinh văn Trung ở ấp Tân Ngãi, xã Tân Trung,… đã thoát nghèo nhờ vào chăn nuôi gà.

Hiện nay, các hộ chăn nuôi trên địa bàn huyện đang có xu hướng sử dụng khá phổ biến chế phẩm sinh học làm đệm lót để xử lý phân gà nhằm hạn chế ô nhiễm môi trường, giảm mùi hôi và góp phần hạn chế bệnh cho đàn gà đặc biệt là bệnh về đường hô hấp. Đây là một bệnh gây ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả chăn nuôi của các hộ trong huyện ở thời gian qua. Mặt khác, nó giúp giảm công lao động, các chi phí do phải dọn phân, thay chất độn chuồng. Hiện nay, các hộ nuôi đang có quan điểm thay thế dần từ việc sử dụng kháng sinh để phòng bệnh như trước đây sang bổ sung men vi sinh trong khẩu phần ăn hàng ngày để giúp hệ tiêu hóa đàn gà sớm hoàn thiện, phòng được bệnh tiêu chảy. Đây là điều kiện rất quan trọng để giúp cho đàn gà phát triển tốt: tăng trọng nhanh, tỷ lệ đồng đều cao. Ngoài ra, nhiều hộ nuôi còn sử dụng nước tỏi pha cho gà uống vào ban đêm trong suốt quá trình nuôi để phòng các bệnh về đường hô hấp, sình diều do khó tiêu. Trong quá trình điều trị một số bệnh về đường hô hấp, các hộ đã sử dụng kết hợp giữa tỏi và kháng sinh cho kết quả điều trị rất tốt, làm giảm tình trạng bị lờn kháng sinh.

Hộ ông Nguyễn Văn Sơn ở ấp Tân An, xã Thành Thới B đang sử dụng chế phẩm sinh học làm đệm lót sinh thái giúp khắc phục mùi hôi rất tốt. Với quy mô nuôi, mỗi đợt 500 con khi sử dụng chế phẩm sinh học giúp giảm chi phí thay chất độn chuồng 3.320.000 đồng/đợt, chưa tính chi phí công lao động. Đồng thời còn giúp phòng bệnh đường hô hấp cho đàn gà.

Có thể giã tỏi pha nước hoặc ngâm rượu trước đó vài ngày để cho gia cầm uống hoặc có thể nghiền thành bột tỏi rồi trộn trong thức ăn với liều lượng 3%. Hộ bà Trần Thị Ba ở ấp An Lộc Thị, xã An Thạnh đã dùng rượu tỏi pha thêm nước cho gà uống vào mùa mưa đặc biệt là ban đêm rất hiệu quả. Phương pháp ngâm rượu tỏi của bà như sau:

- 500gr tỏi cắt lát nhỏ ngâm với 1lít rượu trắng, sau 7 ngày là sử dụng được. 
Liều sử dụng: 60ml rượu tỏi pha trong 10 lít nước uống cho 200 con gà con (dưới 2 tháng tuổi) hoặc 100 con gà lớn (trên 2 tháng tuổi). 
Kết quả: Đàn gà nuôi không có xảy ra dịch bệnh chỉ có vài trường hợp bị cầu trùng, gumboro ở mức độ nhẹ. So với mấy lứa nuôi trước đây khi chưa sử dụng tỏi phòng bệnh thì đàn gà thường mắc bệnh CRD phải sử dụng kháng sinh đều trị nhưng hiệu quả không cao, tỷ lệ hao hụt lến đến 30% do kết hợp CRD và Gumboro. Sau thời gian nuôi 14 tuần tuổi, gia đình bà xuất bán, đàn gà có tỷ lệ sống 95%, trọng lượng bình quân 1,45kg/con, tiêu tốn thức ăn: 2,7kg thức ăn/kg tăng trọng. Trừ các chi phí Bà Trần Thị Ba thu lợi 30.000-35.000 đồng/con.

Ngoài ra, một số hộ nuôi gà còn dùng tỏi giả nhỏ, sau 15-20 phút vắt lấy nước cốt. Đổ nước tỏi vào máng cho gà uống, xác còn lại trộn trong thức ăn cũng mang lại hiệu quả cao.

Nhiều mô hình chăn nuôi gà thả vườn an toàn sinh học trên địa bàn huyện đang cho hiệu quả tốt về mặt kinh tế và xã hội, giúp giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân, kinh phí đầu tư phù hợp các hộ gia đình có ít vốn. Đặc biệt là các hộ nghèo đã giúp họ thoát nghèo. Các hộ ít vốn có điều kiện mở rộng chăn nuôi nhưng vẫn đảm bảo an toàn dịch bệnh, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển chăn nuôi theo hướng bền vững lâu dài.

Để chăn nuôi đảm bảo tính bền vững, bên cạnh công tác chuyển giao kỹ thuật được thực hiện, việc bình tuyển chọn lọc đàn bố mẹ có tính chống chịu cao, thích ứng điều kiện sinh thái tại địa phương, tạo ra đàn con đồng đều, tăng trọng nhanh, giảm chi phí đầu vào (thức ăn, thuốc thú y), chất lượng thịt ngon là vấn đề các ngành chuyên môn về giống cần được quan tâm, việc xây dựng mối liên kết sản xuất từ đầu vào đến tiêu thụ cần được định hướng góp sức của nhiều ngành, nhiều tổ chức, doanh nghiệp cung ứng và tiêu thụ sản phẩm…được như vậy thì phong trào chăn nuôi gia cầm sẽ thật sự là thế mạnh của huyện, giúp người chăn nuôi an tâm sản xuất, góp phần xóa đói giảm nghèo.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét