Thứ Bảy, 19 tháng 11, 2011

Kỹ thuật nuôi cá lóc thương phẩm

I. Nuôi trong giai đặt ở ao đất
1. Mùa vụ
Mùa vụ nuôi phụ thuộc vào việc sản xuất con giống. Nguồn cá giống phụ thuộc nhiều vào tự nhiên, thông thường nguồn cá giống xuất hiện tập trung vào tháng 7 – 8. Do vậy, mùa vụ nuôi cũng tập trung vào những tháng này.
2. Kích cỡ giống và mật độ nuôi
Cần chọn lựa giống có kích cỡ đồng đều, khỏe mạnh, không bị sây sát, không bị mất nhớt. Cá giống cần đạt kích cỡ 20 – 30g/con. Mật độ thả 70 – 90 con/m2.
3. Thức ăn cho cá
Cá lóc là loài ăn động vật, cá có thể sử dụng nhiều loại thức ăn như: cá, tép, ếch nhái….Trong quá trình nuôi có thể tập cho cá quen dần với thức ăn tự chế với nguồn nguyên liệu là cá tạp, tấm, cám, bắp….hoặc thức ăn công nghiệp. Khẩu phần ăn cho cá có thể định lượng theo bảng sau:
Bảng: Khẩu phần thức ăn cho cá lóc (% so với trọng lượng cá thả nuôi)
Kích cỡ cá giống (g/con)
Khẩu phần thức ăn (%)
< 10
10 – 12
10 – 20
8 – 10
20 – 30
5 – 8
30 – 50
5 – 8
50 – 100
5 – 8
> 100
5
4. Cho cá ăn
Trong giai đoạn đầu thả giống, do kích thước cá còn nhỏ, thức ăn cần được xay nhuyễn, khi cá lớn thức ăn không cần xay nhuyễn và được cung cấp cho cá trong giai hoặc ao nuôi qua sàn ăn.
Máy xay thức ăn cho cá

(Cá tạp làm thức ăn)

5. Chăm sóc và quản lý
Việc chăm sóc và quản lý được tiến hành thường xuyên như kiểm tra hệ thống dây- lưới, theo dõi hoạt động của cá, vệ sinh giai….
II. Nuôi cá lóc trong ao đất
1. Chuẩn bị ao
Diện tích ao nuôi trung bình từ 100 – 1.000m2. Ao nuôi được cải tạo và vệ sinh trước khi nuôi. Dùng lưới hoặc đăng tre chắn xung quanh để phòng tránh cá nhảy ra ngoài. Mật độ thả cá 30 – 50 con/m2.
2. Cho cá ăn và quản lý
Thức ăn dùng cho cá nuôi trong ao đất tương tự như thức ăn cho cá nuôi trong giai. Thức ăn được đặt trong sàn cho cá ăn.
III.  Nuôi trên bể lót bạt
1. Chuẩn bị bể
Tùy theo diện tích của mỗi hộ gia đình mà xây dựng bể có quy mô khác nhau.
- Vị trí đặt bể nên bố trí gần sông để thuận tiện cho việc thay nước, nên xây dựng bể lót bạt để chi phí đầu tư thấp và thuận tiện cho việc thay đổi thiết kế sau này nhất là chuyển đổi đối tượng nuôi khác.
- Bể thường được xây dựng theo hình chữ nhật, chiều cao bể khoảng 1,2m. Dùng tràm để làm các trụ, rào đăng tre xung quanh, trải bạt nhựa màu tối để tạo điều kiện sống gần giống như tự nhiên và sử dụng lưới cước rào trên mặt bể để tránh cá nhảy ra ngoài. Đáy bể nên thiết kế sao cho nghiêng về một phía để dễ dàng tháo nước. Đặt cống thoát nước sát đáy bể và đầu cống có lưới chắn để không cho cá ra ngoài.
- Mực nước trung bình trong bể là từ 0,8 – 1m.
- Cần có hệ thống máy bơm nước để cung cấp nước khi cần thay nước.
2. Cho ăn và quản lý
Thức ăn dùng cho cá nuôi trong ao đất giống như thức ăn cho cá nuôi trong giai và ao đất. Thức ăn được đặt trong sàn ho cá ăn.
3. Xử lý môi trường nước trong bể nuôi
Cá lóc nuôi trên bể môi trường nước rất dễ nhiễm bẩn cần được thay nước thường xuyên. Lúc cá còn nhỏ số lần thay nước sẽ ít hơn so với cá lớn. Định kỳ xử lý vôi cho nguồn nước trong bể nuôi từ 7 - 10 ngày/lần với 2 - 3kg vôi/100m3. Trong quá trình nuôi nếu có hiện tượng nhiễm nấm, ký sinh trùng nên dùng các hóa chất diệt ký sinh trùng như Fresh water ( Cty Vemedim, Cần Thơ)….liều lượng theo hướng dẫn của nhà sản xuất để xử lý rất hiệu quả. 
IV. Nuôi ghép
1. Nuôi ghép với cá Rô phi
Dùng cá Rô phi làm thức ăn cho cá lóc. Mật độ thả 0,5 – 1 con/m2. Qua 4 tháng nuôi cá giống cỡ 80 – 100g/con đạt trung bình 350g/con. Tính trung bình cứ 4kg cá Rô phi con được 1 kg cá lóc thịt.
2. Nuôi ghép với cá nuôi khác
Có thể nuôi ghép cá lóc với cá mè, trôi, chép,.....Thức ăn và liều lượng cho ăn tuỳ thuộc vào mật độ nuôi cũng như tỉ lệ ghép với loài cá khác sao cho đảm bảo cá lóc tăng trưởng tốt và không ảnh hưởng đến sinh trưởng của cá khác.
VI. Phòng và trị bệnh cho cá
- Cá ương giai đoạn dưới 25 ngày tuổi: Bệnh thường gặp là bệnh do ký sinh trùng   Để phòng bệnh cần định kỳ sát trùng ao nuôi 15 ngày/lần. Sử dụng vôi bột với liều lượng 3 – 4 kg/100m3, vôi được hòa tan, lóng trong và lấy nước tạt khắp ao hoặc sử dụng Fresh water (Cty Vemedim Cần Thơ).
- Cá ương giai đoạn trên 25 ngày tuổi: Bệnh thường gặp là bệnh viêm ruột do giai đoạn này cá chuyển thức ăn. Rửa thức ăn bằng muối hột, trộn thuốc Sunfadimezin: 2g + Vitamine C: 1g /1kg thức ăn cho cá ăn liên tục 3 ngày mỗi tháng. Định kỳ tạt nước vôi khắp ao.
- Cá giai đoạn nuôi thịt: Bệnh thường gặp là bệnh viêm ruột, ghẻ lở, rận cá. Sử dụng Sunfadimezin: 20g + Oxytetra 5g/100kg cá. Dùng liên tục trong 6 ngày. Định kỳ tạt nước vôi khắp ao. 
VII. Thu hoạch
Sau 5 – 6 tháng nuôi cá đạt trọng lượng trung bình 0,8Kg – 1kg/con. Trước khi thu hoạch 1 – 2 ngày không nên cho cá ăn nhằm hạn chế cá chết trong quá trình vận chuyển. Khi thu hoạch có thể dùng vợt để hạn chế sây sát.
Tháo nước ra chỉ còn 40 – 50 cm, lấy lưới kéo đánh bắt dần. Sau đó tát cạn để thu họch toàn bộ.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét